Quá trình làm đường :
Khó khăn
Ngày 30/11/1959, một trung đội phỉ 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy đã khóa chặt Cổng Trời Cán Tỷ, cắt đứt đường mòn huyết mạch từ Hà Giang lên Đồng Văn. Hôm sau, toán phỉ chặn Cổng Trời bắt giữ hai đoàn ngựa thồ hàng của tỉnh lên Đồng Văn, đuổi cán bộ quay trở lại. Một tuần sau đó, hàng loạt địa bàn trên toàn huyện bị thổ phỉ cướp phá, chúng lùng bắt cán bộ, đốt nhà, cướp của. Từ ngày 12 đến ngày 28/12/1959, hàng loạt cuộc tấn công của phỉ nhằm vào bộ máy chính quyền cơ sở nổ ra. Vàng Chúng Dình, một tàn quân Quốc dân đảng Trung Quốc dẫn 200 tên phỉ tấn công thị trấn Đồng Văn, Vàng Dúng Mỷ đánh phá Mèo Vạc, cướp cửa hàng mậu dịch. Ngày 20/12, đầu lĩnh Phàn Chỉn Sài đưa một toán phỉ đánh vào Na Khê, Bạch Đích, bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính bắn. Ngày 28/12, Giàng Quáng Ly chiếm Yên Minh, Vàng Chỉn Cáo, Phàn Dền chiếm Cán Tỷ, Đông Hà (Quản Bạ). Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, hàng ngàn người tham gia công trình có một không hai này đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, lao động miệt mài nơi rừng thiêng nước độc và loạn lạc. Thời gian đã khẳng định ý chí của họ, ngày 09/09/1963 con đường vươn đến thị trấn Đồng Văn. Sau hơn 4 năm, tuyến đường dài 164 km đã hoàn thành. Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc lại phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là "Đội Cơ Dũng") phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công . Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra một miếng đá nhỏ bé.
Hy sinh
Trong quá trình làm đường, đã có hy sinh, đó là: Anh Đào Ngọc Phẩm quê ở Thái Nguyên, lên Hà Giang nhập đội quân mở đường. Đang leo lên vách đá chênh vênh, khi thấy 2 bố con người Mông đi chợ bị trượt chân, anh Phẩm vươn người ra cứu, hòn đá anh dưới chân anh bửa ra, cả người và đá mất hút dưới vực sâu. Anh Lương Quốc Chanh, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn. Làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt, anh mắc bệnh, nhiều người vào các bản xa xôi kiếm thuốc, nhưng không cứu được người đồng đội của mình. Trước khi nhắm mắt, anh Chanh khóc: “Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy”. Mọi người òa lên nức nở, đau đớn tiễn anh đi.
Hoàn thành và tưởng niệm
Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam . Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường “Hạnh Phúc” nhiều lần được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa nữa mà đã trở thành di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối. Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo . Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo. Cảm xúc trước cung đường huyền thoại, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương, đã sáng tác ca khúc “Cung đường mùa Xuân” với ca từ rất lãng mạn và hào hùng .
Những hình ảnh Đèo Mã Pí Lèng hiện nay :
Xem thêm : Du Lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm .
0 nhận xét:
Đăng nhận xét