Du lịch Hà Giang - Người Tày ở Hà Giang có một nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng với những món ăn thú vị và hấp dẫn, một trong số đó là món rêu nướng. Đây được coi là một đặc sản cực  hấp dẫn và là một nét đẹp ẩm thực của xứ  này.

 Cùng lên Hà Giang thưởng thức món rêu nướng
Nếu đã một lần thưởng thức món rêu nướng, bạn sẽ khó có thể quên được hương vị đặc biệt của nó

Theo kinh nghiệm của người Tày, khi đi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối để vớt. Nước cứ chảy từ trên xuống lấy tay quơ ngang, những cái nào non nhất thì lấy. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay nếu để quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch không ăn được nữa.

Những bụi rêu xanh mượt bên suối là nguyên liệu cho món rêu nướng

Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây, rêu cũng là một món ăn quý…Canh rêu tươi nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị rồi ăn nóng. Rêu nộm thường lấy rêu non, đồ cho vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, hạt tiêu, thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.

Rêu được vớt từ ngoài suối

Rêu còn có thể được chế biến thành nhiều món khác như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng. Rêu nướng là món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người.

Rêu sau khi được vớt lên từ dưới suối còn tươi về sẽ được người ta làm sạch nhớt phù sa bằng cách vò và đập cho thật kỹ hết nước cát bùn rồi mới đem đi chế biến. Món rêu nướng của dân tộc Tày ngon nhất chắc phải kể đến công đoạn nêm gia vị cho món ăn, đó là sau khi xé tơi rêu , thái rêu xong thì sẽ nêm rêu với xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ, một chút muối, mì chính và thêm 1- 2 hạt dổi, ngoài ra có thể thêm những gia vị mà mình ưa thích theo khẩu vị từng người, sau tổng hợp hết thì đem trộn lên, gói vào lá rồi mới đem nướng.

Rêu sau khi được vớt về sẽ được làm sạch, rồi được tẩm ướp gia vị và cuốn vào lá rong trước khi nướng

Và sẽ được kẹp vào nẹp tre tươi rồi đưa lên bếp nướng

Gọi là rêu nướng thì quá trình nướng rêu cũng là đặc biệt quan trọng để làm hoàn thiện thêm hương vị món ăn, khi nướng rêu phải đặt áp vào than,nướng chín một bên sau đó mới nướng tiếp bên còn lại. Cứ nướng đến khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm thì mới là đã chín. Người Tày thường có câu: “Quẹ chí áp, táp chí hơ”, có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín, khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.


Nướng rêu là một bước rất quan trọng để có món rêu nướng ngon và hấp dẫn

 Cùng lên Hà Giang thưởng thức món rêu nướng
Đĩa rêu nướng, mấy con cá suối chiên giòn cùng chén rượu ngô là đã có bữa ăn hoàn hảo

Rêu nướng không chỉ là món ăn được đồng bào dân tộc ưa thích, mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu chống được ngã nước, mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Người đi rừng khi uống nước mưa nước suối, ăn rêu sống hoặc rêu nướng sẽ chịu được cái lạnh, chướng khí sơn lâm. Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ máu và là các món ăn tốt cho những ai muốn ăn kiêng.

SinhCafe kính chúc quý khách có một chuyến đi vui vẻ!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Du Lịch Hà Giang © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top